Thongtinbinhduong.com Chăm sóc mẹ và bé đúng cách sau sinh non đúng cách giúp hạn chế những biến chứng, cải thiện sức khỏe.

Theo TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, với những thai phụ có con sinh non có thể sẽ gặp nhiều trở ngại trong tâm lý, trẻ sinh non cũng có nhiều nguy cơ về sức khỏe. Vì vậy, mẹ và bé sinh non cần chăm sóc đặc biệt sau sinh.

Chăm sóc sản phụ hậu sinh non

Theo TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, với những thai phụ có con sinh non có thể sẽ gặp nhiều trở ngại trong tâm lý, người mẹ có thể hoảng hốt và lo lắng về tình trạng của em bé. Tùy theo tình trạng của bé, bác sĩ sẽ có phác đồ chăm sóc, vì vậy sản phụ nên nghỉ ngơi và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo dõi sức khỏe hàng ngày, loại trừ các vấn đề bất thường như sốt, đau bụng hay sản dịch, ngực đau không, tiết sữa như thế nào... cũng cần lưu ý.

Sau sinh, sản phụ được hướng dẫn vệ sinh cơ thể hàng ngày để tránh viêm nhiễm. Sau sinh từ 2- 3 ngày, mẹ có thể tắm nhanh bằng nước ấm, nếu bị tắc tia sữa thì cần xử lý để tránh tình trạng viêm vú, áp xe vú. Đối với sản phụ sinh mổ, cần lưu ý rửa sạch âm hộ sau khi tiểu và đại tiện để tránh nhiễm trùng tầng sinh môn.

Sau sinh, mẹ nên được chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nhiều người có tâm lý kiêng khem quá mức dẫn đến việc không đủ dinh dưỡng trong sữa, mất sữa. Vận động sớm sau sinh được khuyến khích cho cả mẹ sinh thường và sinh mổ, nếu có vấn đề tâm lý thì cần chia sẻ với mọi người để có thể giải tỏa, trong tuần đầu sau sinh mẹ nên khám lại để đảm bảo sức khỏe an toàn.


Hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ sinh non tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.



Chăm sóc trẻ sinh non

Bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương cũng cho biết, so với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có nhiều nguy cơ về sức khỏe. Các nguy cơ ngắn hạn, gặp phải ngay sau sinh như suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, vàng da, nhẹ cân, khó nuôi. Bên cạnh đó, trẻ non tháng cũng tăng khả năng mắc các khuyết tật về phát triển, khiếm thị và khiếm thính trong tương lai. Trẻ sinh non có tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ cho trẻ càng cao, đặc biệt ở tuổi thai dưới 28 tuần.

Trẻ sinh non có thể sẽ cần được chăm sóc đặc biệt trong 2 năm đầu. Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ có cân nặng dưới 1 kg lúc sinh. Nhưng bạn có thể giúp con bạn khỏe mạnh, lớn lên và phát triển khi bạn đưa trẻ từ bệnh viện về nhà. Dưới đây là một số lời khuyên từ bác sĩ.

Thăm khám định kỳ với bác sĩ: mẹ cần đưa trẻ tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra và xác nhận rằng bé đang tăng cân, trao đổi thêm các phương pháp chăm sóc bé khi ở nhà.

Dinh dưỡng cho trẻ: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Nhưng nếu em bé của bạn gặp khó khăn khi bú, bác sĩ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bé có thể bú trực tiếp hoặc bú sữa mẹ qua bình bú, tùy theo lựa chọn của em bé. Em bé cũng có thể cần bổ sung thêm chất sắt vì trẻ sinh non không có nhiều chất sắt trong cơ thể như trẻ sinh đủ tháng.

Theo dõi sự phát triển của bé: Trẻ sinh non có thể không phát triển với tốc độ như trẻ sinh đủ tháng trong 2 năm đầu. Để theo dõi về sự phát triển của trẻ, bác sĩ có thể sử dụng các biểu đồ tăng trưởng, ghi lại các mốc quan trọng của bé như mức độ hoạt động, ngồi dậy và bò.

Chế độ ăn dặm: Hầu hết các bác sĩ khuyên nên cho trẻ sinh non ăn thức ăn đặc vào thời điểm từ 4-6 tháng sau ngày dự sinh ban đầu của trẻ (không phải ngày sinh). Trẻ sinh non không phát triển như trẻ sinh đủ tháng. Bé có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển khả năng nuốt.

Thời gian ngủ của trẻ sinh: Mặc dù trẻ sinh non ngủ nhiều giờ hơn mỗi ngày so với trẻ sinh đủ tháng, nhưng bé lại ngủ trong thời gian ngắn hơn. Tất cả trẻ sơ sinh bao gồm cả sinh non nên được đặt trên giường nằm ngửa, không nằm sấp. Nằm sấp và ngủ trên nệm mềm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).


Bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương đang thăm khám cho trẻ sinh non 25 tuần tuổi. Ảnh: Thúy Nguyễn



Kiểm tra thị giác và thính lực của trẻ: Trẻ sinh non thường gặp tình trạng mắt lé hơn trẻ sinh đủ tháng, tình trạng này thường tự biến mất khi bé lớn lên. Một số trẻ sinh non mắc một bệnh về mắt được gọi là bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP). Nếu có khả năng con bạn bị ROP, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. ROP có thể được điều trị để giúp ngăn ngừa mất thị lực. Trẻ cũng có khả năng gặp các vấn đề về thính giác hơn bé sinh đủ tháng. Bạn có thể kiểm tra thính giác của em bé bằng cách tạo ra tiếng động ở phía sau hoặc bên cạnh em bé. Nếu con của bạn không quay đầu hoặc phản ứng với một tiếng động lớn, hãy liên hệ với bác sĩ.

Tiêm chủng cho trẻ: Việc tiêm chủng đầy đủ bảo vệ em bé khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Trẻ sinh non có thể bị bệnh cúm nhiều hơn trẻ sinh đủ tháng. Một kế hoạch tiêm phòng cúm cho cả gia đình bạn có thể giúp bảo vệ em bé của bạn khỏi bị lây bệnh cúm từ một người nào đó trong gia đình.

Đặc biệt, trẻ sinh non cần được kiểm tra sàng lọc sơ sinh bằng các xét nghiệm thăm dò chuyên sâu để tầm soát những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe không biểu hiện rõ rệt qua lâm sàng. Bố mẹ có thể xem thêm các gói sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm 73 bệnh lý rối loạn nội tiết, chuyển hóa, di truyền thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Phòng tránh sinh non

Ngăn ngừa sinh non vẫn là một thách thức vì có nhiều nguyên nhân gây ra sinh non, vì các nguyên nhân có thể phức tạp và không phải lúc nào cũng được hiểu rõ. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể thực hiện các bước quan trọng để giúp giảm nguy cơ sinh non, cải thiện sức khỏe.

Trước khi có thai

Điều cần thiết để chuẩn bị làm mẹ chính là chuẩn bị một hành trang đầy đủ về những kiến thức sinh sản, tránh phải can thiệp nhiều vào tử cung. Với nghề nghiệp phải di chuyển nhiều khi có thai sẽ không tốt. Bên cạnh đó, chế độ hỗ trợ dinh dưỡng tốt là rất quan trọng.


Theo dõi thai định kỳ sẽ giúp tầm soát, hạn chế ca sinh non. Ảnh: Thúy Nguyễn






Khi có thai

Mẹ không hút thuốc lá, cung cấp dinh dưỡng và bổ sung vitamin, tránh stress, khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đối với sản phụ bị dọa sinh non trước 34 tuần nên sử dụng Corticoid trước sinh. Steroid sẽ qua hàng rào rau thai sang trẻ, kích thích phổi sản xuất surfactant. Trong phổi có chất Surfactant, đây là chất có khả năng làm giảm sức căng bề mặt, giữ tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp phế nang. Tuy nhiên, Surfactant phải đến tuần thai thứ 26 mới được sản xuất, đó là lý do những em bé sinh ở tuần 24, 25 chức năng phổi chưa hoạt động ổn định. Khi vỡ ối sử dụng kháng sinh dự phòng cho bà mẹ, chuyển lên tuyến trên có đơn vị hồi sức sơ sinh tốt để sinh.

Để kịp thời hỗ trợ các bé sinh non, bác sĩ sơ sinh luôn túc trực trong các cuộc sinh thường, sinh mổ và theo dõi, chăm sóc liên tục tại phòng chăm sóc đặc biệt trong vòng 12h đầu. Điều này giúp kịp thời phát hiện dấu hiệu suy hô hấp nhất thời hay các bệnh lý khác, nhằm có biện pháp can thiệp sớm.

Chăm sóc, điều trị các bé sinh non là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của cả cha mẹ, cả đội ngũ bác sĩ, y tá. Với trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tối đa sự sống non nớt của trẻ, cùng với sự chăm sóc 24/7 của các chuyên gia đầu ngành, nhiều bệnh viện xử lý nhiều ca sinh non phức tạp, để những "bệnh nhi tí hon" xuất viện khỏe mạnh, trả lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình.

Châu Quỳnh