Thongtinbinhduong.com Vì sao nhiều người tranh luận chuyện vượt đèn vàng, đèn đỏ được rẽ phải?
Sau khi mức phạt vi phạm giao thông tăng lên nhiều lần thì nhiều người đã nói lên những điều còn hạn chế trong những quy định giao thông. Một số vấn đề là do quy định, còn lại một số là do nhiều người chưa hiểu.
Vấn đề nhức đầu nhất có lẽ là chuyện đèn vàng hay là đếm giây ngược ở đèn đỏ. Tôi đã sống ở Australia và Mỹ, và tôi có thể khẳng định "bất khả thi". Đèn vàng có nghĩa là "tín hiệu sắp thay đổi sang đỏ, nếu đã vào ngã tư thì chạy tiếp, nếu chưa vào ngã tư thì chậm lại và dừng".
Ở Mỹ, ở Australia, cũng như rất nhiều nước khác mà tôi đã đi tới và có tham khảo luật ở đó, thì không có nước nào phạt người chạy đèn vàng. Đèn vàng được sinh ra nhằm mục đích... chạy nếu kịp. Phạt người chạy đèn vàng thì cũng giống như tổ chức một cuộc thi chạy và ai chạy thì sẽ bị phạt.
Việc đèn đỏ có được rẽ phải hay không cũng là một vấn đề bị tranh cãi nhiều. Ở Mỹ thì đèn đỏ có thể rẽ phải. Ở Australia, nơi lái xe bên trái, thì đèn đỏ có thể rẽ trái.
Tuy vậy, người rẽ phải khi đèn đỏ thuộc loại "ưu tiên chót", phải chờ người đi thẳng hay người rẽ trái có đèn mũi tên xanh cho phép. Đối với các ngã tư bận rộn hay địa hình phức tạp thì sẽ có bảng cấm rẽ phải. Điều này giúp cho người rẽ phải có thể đi khi không có người đi thẳng, đại khái là "sử dụng không gian trống một cách hợp lý".
Vấn đề "rẽ phải khi đèn đỏ" ở Việt Nam thì có thể khả thi ở những nơi vắng vẻ, còn ở những nơi đông đúc quá mức như ở các thành phố lớn thì nên cấm. Lý do là vì đằng nào thì cũng đông, khi nào có đèn xanh thì sẽ có người đi thẳng, không có chỗ trống để tận dụng.
Việc làm gì khi đèn giao thông bị hỏng là vấn đề phải bàn bạc. Ở Mỹ luật về vấn đề này rất rõ: đèn hỏng thì xem như đó là một ngã tư có bảng "dừng"(stop sign) ở bốn phía. Khi gặp bảng dừng thì phải dừng, sau đó ai tới trước đi trước.
Với thực tế giao thông ở Việt Nam thì xe máy và ôtô phải xếp hàng ngang trước vạch dừng, rồi từng đợt đi qua. Việc nhiều người phải xuống đường dắt xe khi đèn hư có thể là do không có quy định về việc này, và cần phải bổ sung.
Khi một điều luật được ban hành thì tính khả thi là quan trọng nhất. Khi tôi còn học luật, có một lần chúng tôi phải tập cách đưa ra những điều kiện trong hợp đồng, để rồi chúng tôi nhận ra rằng đưa ra những điều kiện không thể làm được thì không có hợp đồng nào cả.
Quy định liên quan tới "chạy đèn vàng" là một điều luật như vậy. Còn lại, nên phổ biến rộng rãi các điều luật tới người dân. Khi thi hành nghiêm túc, các quy định cũng nên được thiết kế nghiêm túc.