Thongtinbinhduong.com Người xưa rất quý trọng hạt gạo, coi hạt gạo, hạt cơm là “hạt ngọc” Trời ban để nuôi sống con người. Chính vì thế, mà những hạt cơm, con cháu sơ ý làm vương vãi xuống đất, ông bà ta đều khuyên phải nhặt lên, nếu không thì “phí của Trời”.

Mà quả thật, trong dân gian có biết bao câu chuyện về người coi thường “Hạt ngọc” của Trời đã phải lãnh hậu quả thê thảm, đau thương, từ đang giàu có trở nên tán gia bại sản. Hạt gạo tuy được Trời ban cho, nhưng cũng phải qua công sức của con người với một nắng hai sương mới có.

Người Nhật Bản có câu: “Trên mỗi một hạt gạo có 7 vị thần tiên”. Đây là câu nói bắt nguồn từ truyện cổ Phật giáo, nhắc nhở mọi người rằng để trồng ra được hạt gạo mà chúng ta ăn hằng ngày là việc không hề dễ dàng gì. Mọi người đều không nên bỏ phí và phải biết quý trọng tất cả những gì tự nhiên ban cho con người. Mỗi hạt gạo đều là “phúc căn”, là gốc của phúc khí. Bởi vậy nếu mang đổ cơm không ăn hết đi cũng chính là tự mang phúc của mình hất đổ đi.

Hãy cùng đọc hai câu chuyện dưới đây để quý trọng hơn từng hạt cơm và tránh mắc tội vì sự vô tâm của bản thân mình.


Người Nhật Bản có câu: “Trên mỗi một hạt gạo có 7 vị thần tiên”. Ảnh dẫn theo businesswire.com

Sức mạnh không ngờ của một hạt cơm

Xưa kia có một đôi vợ chồng nghèo đến mức không có nhà ở, phải sống trong một cái hang. Hai vợ chồng họ nghèo tới mức còn phải mặc chung một bộ quần áo. Mỗi khi người chồng mặc đi ra ngoài có việc thì người vợ đành phải ở nhà. Còn lúc người vợ mặc đi ra ngoài thì người chồng cũng đành phải ở trong hang động giấu mình.

Một ngày nọ hai vợ chồng họ nghe thấy tin đức Phật dẫn các đệ tử đi đến vùng lân cận để khất thực. Người chồng liền nói với người vợ: “Bởi vì trước đây không biết rõ rằng quyên tặng là gieo trồng phúc nên bây giờ chúng ta mới rơi vào tình cảnh khốn cùng thế này. Khó khăn lắm mới chờ được cơ hội đức Phật đi đến nơi này giáo hóa. Sao có thể để mất cơ hội này được?”

Người chồng nói xong, người vợ thở dài thật sâu rồi nói: “Nhà chúng ta gần như không có một chút của cải gì cả, lấy gì mà quyên tặng cho tăng nhân đây?”

Người chồng nghĩ nghĩ một lát rồi nói dứt khoát: “Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta thà chết đói cũng không để lỡ mất cơ hội này. Bây giờ, chúng ta còn duy nhất bộ quần áo này. Hãy mang nó đi quyên tặng đi!”

Thế là hai vợ chồng họ lập tức cầm bộ quần áo là tài sản duy nhất trong nhà đi quyên tặng khiến cho các đệ tử của đức Phật bị khó xử. Tất cả các đệ tử đều trốn tránh không nhận bộ quần áo này. Cuối cùng, tôn giả A Nan Đà đành mang bộ quần áo đến trước đức Phật để hỏi ý kiến: “Bạch Thầy, bộ quần áo này thực sự là không thể mặc được, hay là chúng ta vứt bỏ đi ạ?”

Đức Phật ân cần chỉ giáo đệ tử: “Con không thể nghĩ như vậy được. Sự quyên tặng của người nghèo là vô cùng đáng quý. Hãy mang đến cho ta mặc”.

Tôn giả A Nan Đà cảm thấy hổ thẹn trong lòng, liền cùng với đệ tử khác của đức Phật là ngài Mục Kiền Liên mang bộ quần áo ra bờ sông giặt giũ. Không ngờ, chiếc áo vừa mới thấm nước thì cả sông đột nhiên sóng lớn cuộn trào mạnh mẽ, dâng cao. Ngài Mục Kiền Liên vội vàng vận thần thông đem núi Tu Di ra trấn áp (Núi Tu Di được xem là vua của các ngọn núi theo quan niệm của Phật giáo). Nhưng vẫn không thể trấn áp được sóng cả. Hai người đành phải vội vã trở về báo với đức Phật.

Lúc này, đức Phật đang ăn chay nên nhẹ nhàng cầm một hạt cơm lên và nói với hai người: “Nước sông dâng cuồn cuộn bởi vì Long Vương khen ngợi người nghèo có tâm nguyện tận lực quyên tặng, cứu tế. Các ngươi hãy cầm hạt cơm này đi, nó có thể trấn trụ được sóng lớn”.

Tôn giả A Nan Đà cảm thấy kỳ quá liền hỏi: “Bạch Thầy! Núi Tu Di cao lớn như vậy còn không trấn áp được sóng cả. Một hạt cơm nhỏ bé như thế này làm sao có thể trấn áp được sóng lớn như vậy ạ?”


Tôn giả A Nan Đà. Ảnh dẫn theo youtube.com

Đức Phật cười và trả lời: “Các ngươi cứ cầm và thử đi, rồi ta sẽ nói sau!”

Tôn giả A Nan Đà và ngài Mục Kiền Liên nửa tin nửa ngờ, cầm hạt cơm đi và ném xuống sông. Không ngờ, thoáng một cái mà cả con sông trở nên gió êm sóng lặng. Hai người họ trong sâu thẳm thật sự không thể tưởng tượng nổi. “Chẳng lẽ sức mạnh của một tòa núi Tu Di mà không bằng một hạt cơm nhỏ bé sao?”

Sau khi trở về, hai người họ lập tức thỉnh giáo đức Phật.

Đức Phật lúc này mới nói rõ: “Một hạt thóc ban đầu được gieo trồng, trải qua tưới tiêu nước, bón phân, thu hoạch, chế biến, buôn bán… Tức là phải trải qua đủ loại sức lực và nỗi vất vả mới có thể tạo thành một hạt gạo. Công đức mà một hạt cơm ẩn chứa là vô lượng không tính đếm được.

Cũng giống như vậy, đối với hai vợ chồng nghèo kia, bộ quần áo là tài sản duy nhất của họ, là toàn bộ gia sản của họ. Tâm lượng mà nó ẩn chứa cũng là vô hạn! Từ Hải Long Vương hiểu được công đức của một hạt cơm và của bộ quần áo là to lớn như nhau, đều là do một niệm thành kính mà dẫn xuất ra. Bởi vậy, có thể thấy được rằng: Chỉ cần một niệm thành kính thì một hạt cơm nhỏ hay một bộ quần áo rách cũng có được sức mạnh lớn như một tòa núi Tu Di vậy!”

Phí hoài phúc căn, cuối đời bi đát

Vào thời kỳ Gia Tĩnh triều nhà Minh có một vị tể tướng tên gọi Nghiêm Tung. Thân là một tể tướng nhưng vô cùng tàn ác hãm hại đồng liêu, kết bè kết đảng, tham ô tham nhũng, giàu nhất nhì thiên hạ. Vây cánh bè phái và con cháu của ông ta tác oai tác quái, lộng hành triều chính. Nghiêm Tung chuyên quyền loạn chính, khiến triều Minh suy yếu, biên cương bị xâm hại, dân chúng lầm than. Ỷ vào gia cảnh giàu có đức cao vọng trọng nên sinh hoạt vô cùng xa xỉ lãng phí. Mỗi ngày cổng nhà lúc nào cũng khách ra khách vào đông đúc như trảy hội, ở cống ngầm phía sau nhà bếp thì ngày nào cũng thải ra rất nhiều các loại cá thịt cơm gạo thừa thãi.

Gần nhà Nghiêm Tung lại có một ngôi miếu nhỏ, mỗi ngày lão hòa thượng trong miếu đều sai tiểu hòa thường đi tới cống ngầm nhà Nghiêm Tung vớt hết gạo trong cống và rửa sạch phơi khô rồi chất đầy trong một căn phòng.


Ngôi miếu nhỏ chất đầy gạo phơi khô. Ảnh minh họa dẫn theo kpvn.com.vn

Năm Gia Tĩnh thứ 41 (năm 1562), tội ác của Nghiêm Tung bị phơi bày, Thế Tông lệnh cho Nghiêm Tung bãi chức, cho về quê tu dưỡng, còn con cháu và vây cánh của ông ta bị phái đến vùng biên ải. Bởi khi còn tại vị Nghiêm Tung hành ác đa đoan không đắc nhân tâm nên khi thất thế cũng không ai thèm đồng tình và thương hại ông ta. Nghiêm Tung không ngờ những năm cuối đời mình lại không nơi nương tựa, vất vưởng khổ sở tới vậy. May sao lão hòa thượng ở ngôi miếu gần nhà từ bi cứu giúp, cho ông một nơi sống qua ngày đoạn tháng.

Sau nhiều ngày sống trong miếu, một ngày nọ Nghiêm Tung ngượng ngùng hỏi lão hòa thượng: “Sư phụ, tôi muốn nói lời xin lỗi ông. Lúc còn làm tể tướng đã không biết ông là một người hàng xóm tốt để tới miếu của ông công đức quyên góp chút tiền. Giờ đây khi rơi vào tình cảnh khốn đốn lại tới tìm ông ăn đồ ở miếu của ông, ở trong miếu của ông”

Lão hòa thượng an ủi Nghiêm Tung: “Tướng gia không cần phải buồn, những đồ ông ăn không phải của tôi mà là của bản thân ông. Những đồ này ông có ăn tám năm hay mười năm đi nữa cũng không hết”.

Nghe lời lão hòa thượng, Nghiêm Tung ngạc nhiên hỏi: “Ăn của tôi sao? Dựa vào đâu mà ông nói vậy?”

Nhìn vẻ mặt tò mò của Nghiêm Tung, lão hòa thượng nói: “Ông không tin hả, vậy để tôi dẫn ông đi xem”

Thế là lão hòa thượng đưa ông ta tới một phòng kho và chỉ vào một đống gạo khô dưới đất mà nói: “Đây đều là gạo trong phủ tể tướng thải ra dưới cống ngầm. Tôi đã vớt những hạt gạo đó về rửa sạch và phơi khô cất giữ trong này”

Nhìn đống gạo to trong nhà kho, lại nghe những lời nói của lão hòa thượng, Nghiêm Tung không thốt lên lời, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong và cúi đầu xấu hổ. Đây chính là hậu quả của việc bản thân ông không tiếc phúc mà gây ra.

Bình Nhi
http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/com-gao-la-phuc-can-tren-moi-hat-gao-co-7-vi-than-tien.html