Thongtinbinhduong.com Không phải nam thần nhưng Ngô Kinh đã làm những điều mà không phải ai cũng làm được.
Theo Sina, tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu của Chiến lang 2 (Wolf Warriors 2) đã vượt mốc 1 tỷ NDT (148 triệu USD) chỉ trong 85 giờ công chiếu. Phim ra mắt khán giả Trung Quốc từ ngày 28.7. Đây là kỷ lục vốn thuộc về ông vua dòng phim hài Châu Tinh Trì với một bộ phim hài. Nhưng kéo khán giả đến rạp thưởng thức một bộ phim hành động – chiến tranh khá nặng đầu và đạt được kỷ lục như vậy, không thể không phục tài của Ngô Kinh.
Không phải là diễn viên tuyến 1, không phải thuộc hàng nam thần thần tượng, nhưng Ngô Kinh đã làm được những điều mà không phải nghệ sĩ tên tuổi nào cũng có thể làm được.
Vậy, Ngô Kinh là ai và đứng ở đâu trong làng nghệ thuật Hoa ngữ?
Không phải là diễn viên tuyến 1, không phải thuộc hàng nam thần thần tượng, nhưng Ngô Kinh đã làm được những điều mà không phải nghệ sĩ tên tuổi nào cũng có thể làm được.
Vậy, Ngô Kinh là ai và đứng ở đâu trong làng nghệ thuật Hoa ngữ?
Ngô Kinh sinh ra và lớn lên tại Bắc Kinh vào năm 1974 trong một gia đình có truyền thống võ thuật, thuộc tộc người Mãn Châu Hoàng Kỳ danh giá bậc nhất. Năm 6 tuổi, Ngô Kinh đã vào trường học võ và từ năm 1986, đại diện Trung Quốc tham gia các trận đấu quốc tế, giành được không ít thành tích trong và ngoài nước.
Thời gian thi đấu của anh kéo dài từ năm 1986 - 1994. Cùng với những huy chương vàng, những tràng pháo tay tán dương, là những chuỗi ngày rèn luyện cực khổ, mồ hôi và máu, cùng những chuỗi ngày cô đơn trong một môi trường kỷ luật thép.
Năm 21 tuổi, khi sự nghiệp võ học đã đạt tới đỉnh cao, Ngô Kinh bỗng cảm thấy con đường mình đi vẫn còn hạn hẹp, còn nhiều thứ anh chưa được biết và muốn được làm những điều khác biệt so với việc miệt mài tập luyện bao nhiêu năm qua.
Được sự giới thiệu của sưu phụ Ngô Bân, Ngô Kinh được tham gia bộ phim điện ảnh Công phu tiểu tử sấm tình quan. Gương mặt sáng màn ảnh, khả năng võ thuật thuộc hàng thực lực, Ngô Kinh nhanh chóng được công chúng quan tâm và các đạo diễn chú ý. Thời đó, có lẽ anh cũng là một “tiểu thịt tươi” - ngoại hình ưa nhìn, da trắng môi hồng, diễn xuất không quá đặc biệt, vai diễn na ná, nhưng cũng có vài bộ nổi tiếng làm vốn.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, Ngô Kinh chưa thể vượt qua gương mặt nổi tiếng cũng thuộc hàng thực lực là Lý Liên Kiệt, càng cách xa với “ông vua hành động hài” Thành Long. Hơn nữa, dòng phim điện ảnh võ thuật tại Trung Quốc đại lục vẫn chưa thực sự phát triển, nên Ngô Kinh dù sở hữu nhiều ưu điểm (ngoại hình, khả năng võ thuật, diễn xuất), vẫn chỉ là gương mặt tầm trung. Khán giả nhớ đên anh như một võ sự thay vì hình ảnh của một nghệ sĩ.
Sau đó, Ngô Kinh tham gia khá nhiều phim cổ trang như Thái cực tông sư, Tiểu Lý Phi Đao, Sách mã khiếu tây phong, Thiếu lâm võ vương… Tuy được quen mặt hơn, dần chuyên nghiệp hơn, nhưng Ngô Kinh vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của một võ sư. Các vai diễn na ná kiểu chính trực, giỏi võ… cũng hạn chế khả năng diễn xuất của anh.
Hơn nữa, trong thời điểm này, những gương mặt điển trai đậm chất soái ca như Lục Nghị, Huỳnh Hiểu Minh, Trần Khôn… cùng dòng phim dân quốc, tâm lý tình cảm… nổi lên khiến Ngô Kinh không còn nhiều đất để phát triển.
Trong cơn bão của dòng phim kiếm hiệp Kim Dung do Trương Kỷ Trung làm đạo diễn, và những bộ phim dân quốc tâm lý tình cảm - đều không có chỗ chỗ cho Ngô Kinh, nên anh quyết định: sang Hong Kong phát triển. Đây là một quyết định vô cùng táo bạo, bởi lúc đó ở đại lục, Ngô Kinh cũng không phải là một ngôi sao lớn, cũng không có chỗ dựa, vốn tiếng Quảng gần bằng con số 0. Anh chỉ có chục vai diễn làm vốn, thực lực võ thuật và quyết tâm gây dựng sự nghiệp.
Ngô Kinh đến đây giống như việc gây dựng lại từ đầu. Dù ở Trung Quốc đại lục chuyên đóng vai chính, nhưng khi qua đến xử Cảng thơm, anh phải đứng sau các gương mặt thân quen như Lưu Đức Hoa, Quách Phú Thành, Cổ Thiên Lạc, Lưu Thanh Vân... hay cả những gương mặt trẻ hơn như Tạ Đình Phong, Ngô Ngạn Tổ…
Bù lại, anh có dịp được làm việc với những đạo diễn phim hành động nổi tiếng như Trần Mộc Thăng, Từ Khắc, Lưu Trấn Vỹ, được hợp tác với trường phái võ thuật giống mình như với Chân Tử Đơn, Lý Liên Kiệt. Đi lên từ những vai diễn nhỏ đến những vai thứ chính trên màn ảnh Hong Kong, Ngô Kinh đã được tôi luyện rất nhiều.
“Khoảng thời gian hoạt động ở Hongkong đã cho tôi nhiều thứ, đặc biệt là những kinh nghiệm làm nên một tác phẩm hành động đúng nghĩa”. Năm 2007, Ngô Kinh lọt vào danh sách đề cử giải Kim Tượng ở hạng mục nam diễn viên phụ xuất sắc, cho thấy anh đã được công nhận như một diễn viên thực lực.
Năm 2008, Ngô Kinh bất ngờ chuyển hướng làm đạo diễn. Không qua trường lớp đào tạo chính ngạch, cũng chưa phải là kỳ cựu hay gạo cội trong diễn xuất, anh chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới: chỉ đạo diễn xuất. Bộ phim đầu tay trên vai trò đạo diễn của Ngô Kinh là Lang Nha, có đè tài cảnh sát - hành động, nhận được sự đánh giá cao của công chúng.
Kể từ đó, nam diễn viên chạy song song 2 sự nghiệp: diễn viên - đạo diễn. Anh thường đạo diễn phim của chính mình, và cũng hay nói đùa: “Chỉ khi đóng phim mình đạo diễn, tôi mới được đóng vai chính” hoặc “Đóng phim mình đạo diễn, coi như bớt được một phần việc là chỉ đạo diễn xuất cho chính mình”.
Với Chiến Lang 2, có thể nói Ngô Kinh đã đưa sự nghiệp trong làng nghệ thuật của mình lên đến đỉnh cao - giống như những khi đăng quang trên võ trường năm xưa. Với Chiến Lang 2, anh quay trở về quê nhà ở đại lục và ghi dấu tên mình trong hình ảnh một đạo diễn - diễn viên - biên kịch tài năng. Không phải là “võ sư Ngô Kinh”, cũng không đơn giản chỉ là “diễn viên Ngô Kinh” - mà là một nghệ sĩ tài năng đã đạt được thành tích mà không phải ai cũng có được.
Doanh thu hiện tại của của bộ phim đã đạt đến 1,3 tỷ nhân dân tệ, và còn chưa có dấu hiệu dừng lại. “Qua đi những cơn bão phim ngôn tình, huyền huyễn, dòng phim hành động chính thống đã tái khẳng định vị thế của mình nhờ có đạo diễn Ngô Kinh” - nhiều người đã nói như vậy.
Tuy nhiên, thời điểm đầu tư cho phim ảnh, Ngô Kinh bị gán mác "ăn bám vợ" vì gia thế nhà Tạ Nam rất giàu có. Thực tế, Tạ Nam là người lo cho phần tài chính trong gia đình. Khi Ngô Kinh có ý định làm thêm Chiến Lang 2 nhưng thiếu tiền nên anh đã thế chấp ngôi nhà của mình. Tạ Nam đã không hề cáu giận, mà ủng hộ chồng đến cùng.
Nhắc đến người vợ này, Ngô Kinh tâm sự: "Phụ nữ sau khi kết hôn thường phải chịu nhiều vất vả. Đàn ông sợ vợ cũng là điều bình thường. Bạn bè đều nói tôi khéo lấy được vợ tốt. Đúng là vậy, không thì người như tôi biết ăn bám vào ai".
Ngô Kinh chính là một minh chứng cho con đường nghệ thuật chân chính dù gian nan nhưng luôn rộng mở với những người thực sự tài năng và tâm huyết
Theo Lam Ngọc/Khám phá