Thongtinbinhduong.com Cùng hiểu hơn về quá trình dựng xây đất nước sau khi dân tộc ta giành độc lập ngày 2/9/1945 qua chùm ảnh lịch sử quý giá.

Thời khắc 2/9/1945 là một ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc ta. Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Quốc khánh của cả dân tộc, hãy cùng nhìn lại những giây phút, khoảnh khắc thiêng liêng của buổi đầu độc lập qua chùm ảnh lịch sử…
 

Đây là bức ảnh tư liệu chụp quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 của nhiếp ảnh gia người Pháp - Philippe Devillers.

Quảng trường này vốn có tên là Rond Point Pugininer. Khi bác sĩ Trần Văn Lai nhậm chức Đốc lý Hà Nội (Thị trưởng) từ ngày 20/7 - 19/8/1945, ông đã đổi tên thành Quảng trường Ba Đình nhằm tưởng nhớ tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887).

 

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, quảng trường Ba Đình được Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch đứng đầu chọn làm nơi ra mắt toàn dân. Toàn bộ công việc xây dựng lễ đài và tổ chức chuẩn bị được thực hiện trong vòng vỏn vẹn 48 giờ đồng hồ.

Đúng 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, trước sự chứng kiến của khoảng 50 vạn nhân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên lễ đài, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cả thế giới.
  
Khung cảnh một cuộc mít tinh ủng hộ nền độc lập mới do chính quyền cách mạng mới thiết lập của dân chúng trước Nhà thờ Lớn Hà Nội.


 
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ lâm thời đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Trong buổi họp quan trọng này, Chính phủ đã đề ra 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay: đó là chống đói; xóa mù chữ; tiến hành tổng tuyển cử, đưa ra Hiến pháp; giáo dục cho toàn dân cần - kiệm - liêm - chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; cho phép tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết.
 
Nhân dân xuống đường đi ủng hộ Chính phủ lâm thời.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương trên, Hồ Chủ tịch đã phát động “Tuần lễ vàng” từ 4/9/1945 nhằm khuyến khích người dân đóng góp cho ngân khố quốc gia.

Phong trào này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp tư sản dân tộc. Tính tới thời điểm kết thúc “Tuần lễ vàng”, ngoài tiền mặt, cả nước đã quyên góp được 370kg vàng cho Quỹ Độc lập.
 

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do cựu hoàng Bảo Đại (khi ấy được gọi là cố vấn Vĩnh Thụy) chủ trì ngày cuối cùng của Tuần lễ vàng 30/9/1945.

Kết quả người mua được bức tranh trên cỡ lớn là ông Đỗ Đình Thiện với giá một triệu đồng bạc Đông Dương (tương đương 17 triệu franc Pháp và khoảng 72,3 tỷ VND theo tỷ giá năm 1999).
 
 
Không chỉ chú trọng giải quyết các vấn đề tài chính, Chính phủ lâm thời cách mạng còn luôn để ý tới việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc vững mạnh.

Ngày 2/11/1945, Hồ Chủ tịch cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia Nguyễn Mạnh Hà tham dự lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Lớn Hà Nội để tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã tử trận vì độc lập, tự do của dân tộc.
 

Bên cạnh giặc đói, giặc dốt cũng được coi kẻ thù không đội trời chung của nhân dân ta những năm đầu sau độc lập. Chính phủ lâm thời triển khai một loạt các biện pháp để xóa nạn mù chữ trên toàn quốc.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là Vũ Đình Hòe đã tới dự lễ khai giảng Đại học Việt Nam ngày 13/11/1945.
 

Một khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi được ghi lại đầu năm 1946. Đây là khung cảnh người dân Hà Nội tập trung tham gia lễ tưởng nhớ chiến thắng Đống Đa năm xưa của vua Quang Trung.

Không lâu sau ngày giành độc lập, cả dân tộc đang gấp rút chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm (1946 - 1954).



Dẫu bận trăm công ngàn việc, Hồ Chủ tịch vẫn sắp xếp thời gian tới Việt Nam Học Xá (ở khu vực Bạch Mai ngày nay) để cùng toàn dân kỉ niệm lễ giỗ tổ Hùng Vương nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Theo Kenh14/ LSVN, Wikipedia